Thứ Hai, 21/03/2016 10:57:00 GMT+7
Công bố Quy hoạch giao thông vận tải đường bộ Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
Lượt xem: 10
Phát triển giao thông vận tải đường bộ thành phố Hải Phòng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội thành phố, chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải quốc gia, vùng kinh tế trọng điểm. Phát triển theo hướng đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, đảm bảo đáp ứng mục tiêu phát triển thành phố Hải Phòng thành đô thị loại đặc biệt và thành phố cảng xanh, văn minh hiện đại
Phát triển giao thông vận tải đường bộ thành phố Hải Phòng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội thành phố, chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải quốc gia, vùng kinh tế trọng điểm. Phát triển theo hướng đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, đảm bảo đáp ứng mục tiêu phát triển thành phố Hải Phòng thành đô thị loại đặc biệt và thành phố cảng xanh, văn minh hiện đại. Đó chính là quan điểm phát triển của Quy hoạch giao thông vận tải đường bộ thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Sở Giao thông vận tải công bố, sáng 19/3.
Theo nội dung quy hoạch, Hải Phòng sẽ phát triển mạng lưới giao thông đường bộ một cách đồng bộ trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của thành phố là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc và kết nối Cảng Hải Phòng tới Tây nam Trung Quốc. Đa dạng hóa các loại hình vận tải, hình thành mạng lưới vận tải thông suốt theo hướng giao thông thông minh, cao tốc hóa, nâng độ an toàn, phát triển vận tải hành khách công cộng theo hướng tăng cường sử dụng nhiên liệu sạch thân thiện với môi trường…
Mục tiêu đến năm 2020, khối lượng vận tải hàng hóa đường bộ của thành phố đạt 114 – 153 triệu tấn/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân 8 – 10%/năm, trong đó khối lượng hàng hóa thông qua cảng biến chiếm khoảng 70% tổng khối lượng vận tải. Khối lượng vận chuyển hành khách đường bộ đạt 75,6 – 82,5 triệu hành khách/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân 15 – 16%/năm, trong đó vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đáp ứng khoảng 5%-10% tổng nhu cầu đi lại.
Thành phố sẽ hoàn thành 2 tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; Hải Phòng – Hạ Long và các đoạn tuyến nối tới cảng biển, sân bay; tăng cường năng lực thông qua của các tuyến đường bộ kết nối đến khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, các khu công nghiệp lớn; xây dựng tuyến Tân Vũ – Lạch Huyện; tuyến nối QL 10 – QL5; tuyến nối sang Vũ Yên; mở rộng QL 10; nâng cấp hoàn chỉnh QL 37; xây dựng tuyến kết nối từ cảng hàng không quốc tế tại Tiên Lãng về QL5, QL 10.
Theo quy hoạch, cơ bản hoàn thiện hệ thống đường thành phố theo hướng nâng cấp các đoạn trong đô thị và chỉnh trang các tuyến còn lại đảm bảo kết nối đô thị - nông thôn và giữa các khu vực nông thôn; xây dựng các cầu vượt sống Cấm, sông Lạch Tray, sông Văn Úc, sông Thái Bình, sông Đa Độ.
Định hướng đến năm 2030, quy hoạch phát triển vận tải hình thành 04 hành lang vận tải hành khách và hàng hóa gồm: hành lang Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai; hành lang Hải Phòng – Quảng Ninh – Móng Cái; hành lang Hải Phòng – Thái Bình – Ninh Bình; hành lang Hải Phòng – Hà Nội – Lạng Sơn.
Giai đoạn đến năm 2020 thành phố quy hoạch mới 05 bến xe liên tỉnh và giai đoạn 2021 – 2030 sẽ thêm 2 bến xe mới. Số lượng phương tiện vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh dự kiến khoảng 1700 – 2300 xe; tuyến cố định nội tỉnh khoảng 560 – 770 xe; vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt khoảng 330 – 400 xe; số phương tiện vận tải hàng hóa khoảng 53000 – 67000 xe tải….Cũng theo quan điểm của thành phố, giai đoạn tới chú trọng phát triển doanh nghiệp vận tải đường bộ hiện đại, có sức cạnh tranh quốc tế, thiết thực nâng cao hiệu quả khai thác hạ tầng và phương tiện vận tải. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải, góp phần chủ động ứng phó có hiệu quả đối với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Nhân dịp này, Sở Giao thông vận tải đã trao hồ sơ quy hoạch giao thông vận tải đường bộ Hải Phòng cho các ngành, các quận, huyện, trên cơ sở đó các ngành và địa phương xây dựng quy hoạch riêng bảo đảm không trùng lắp, phát huy tối đa hiệu quả các dự án phát triển kinh tế xã hội gắn với phát triển giao thông vận tải.